Các hình thức và mô hình tổ chức quản lý dự án

Lê Thành Nam

Thành Viên [LV 0]

1. Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án

Đây là hình thức chủ đầu tư sử dụng bộ máy có sẵn của mình để trực tiếp quản lý hoặc lập ra ban quản lý dự án riêng chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm soát việc tiến hành dự án. Theo đó, ban quản lý cần có các kiến thức về chuyên ngành, kỹ năng quản lý về dự án đang được tiến hành. Ngoài ra, ban quản lý có thể chịu trách nhiệm theo dõi nhiều dự án một lúc và sẽ được giải thể khi nó hoàn thành.

2. Ban quản lý chuyên ngành dự án

Đây là hình thức chủ đầu tư giao việc quản lý dự án cho ban quản lý dự án chuyên ngành, hoặc thuê một tổ chức bên ngoài đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để chuẩn bị và tiến hành dự án. Theo đó, ban quản lý chuyên ngành là một tổ chức pháp nhân độc lập chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình thực hiện dự án trước pháp luật và chủ đầu tư.

3. Hình thức “Chìa khóa trao tay”

Chủ đầu tư giao dự án cho một hoặc một số nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc cho đến khi dự án hoàn thành với thỏa thuận đi kèm. Trong đó, bản hợp đồng thỏa thuận cần ghi rõ các thông tin về dự án như thời gian thực hiện, tiêu chuẩn chất lượng, điều khoản thanh toán…Sau khi nghiệm thu, đánh giá kết quả thì chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện nốt các điều khoản hợp đồng còn lại và có thể bắt đầu sử dụng dự án.

4. Mô hình quản lý dự án theo bộ phận chức năng

Đây là hình thức chủ đầu tư không thành lập ban quản lý dự án mà nhiệm vụ này được giao lại cho các phòng chức năng. Cụ thể, dự án thuộc phòng ban nào thì phòng đó vừa chịu trách nhiệm thực hiện lẫn kiểm soát dự án của mình. Hoặc chủ đầu tư có thể giao công tác kiểm tra, quản lý này cho một phòng chức năng xác định.

5. Mô hình có ban quản lý dự án chuyên trách

Chủ đầu tư lập ra một ban quản lý chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ các công việc của dự án. Trong đó, ban quản lý cần có các kiến thức, kỹ năng chuyên môn cùng các chứng chỉ nghề nghiệp liên quan đến chiến lược, dự án mà công ty đang thực hiện. Việc sử dụng mô hình này giúp tập trung giải quyết hoàn thành dự án một cách tốt hơn vì vậy nó được khá nhiều các doanh nghiệp tổ chức áp dụng.

6. Mô hình quản lý dự án theo ma trận

Mô hình quản lý dự án theo ma trận hoạt động dựa trên nguyên tắc lập nhóm bao gồm các thành viên đến từ những phòng chức năng khác nhau của doanh nghiệp, tổ chức. Theo đó, các thành viên dưới sự điều hành của nhóm trưởng sẽ tiến hành thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo dự án diễn ra theo đúng kế hoạch. Mỗi thành viên có thể tham gia vào một hoặc nhiều nhóm và chịu sự chỉ hủy của cả nhóm trưởng và phòng chức năng trực thuộc.
nguồn: 123job.vn
 
Back
Bên trên