Xe cháy trong đường hầm Hải Vân, hiểm họa rất gần!

Datnguyen

Administrator
HVACR Staff
Tối mồng 1 tết vừa qua (26-1-2009), xe tải đông lạnh loại 15 tấn khi lưu thông qua hầm đường bộ Hải Vân theo hướng Bắc-Nam đã bất ngờ phát lửa và bốc cháy dữ dội. Trước đó vài tháng vào ngày 1-9-2008, ôtô khách chạy hướng Nam - Bắc, khi đến cách cửa hầm phía Bắc 2.917m cũng đột nhiên bốc cháy, 35 người đi trên xe phải tìm cách thoát ra ngoài chạy vào đường lánh nạn.
New_Picture_1_.jpg


Cháy thường xuyên đến mức báo động

Theo ban quản lý hầm đường bộ Hải Vân, từ khi đưa vào sử dụng (đầu tháng 6-2005) đến nay đã xảy ra tổng cộng 18 vụ cháy ôtô trong đường hầm, tức trung bình hơn hai tháng lại có một vụ.

Ta có thể khảo sát một đường hầm đường bộ khác trên thế giới để dễ hình dung phần nào sự thường xuyên đến bất thường của các vụ cháy trong đường hầm Hải Vân. Trong đường hầm xuyên núi Mont Blanc nối liền hai nước Pháp và Ý dài gần 12km, xảy ra khoảng 15 vụ cháy trong 34 năm khai thác.

Trong số các vụ cháy trong đường hầm Hải Vân được các phương tiện báo đài thông tin cho đến hiện giờ, phần lớn đều do các xe tự bốc cháy tại các điểm khác nhau trong suốt chiều dài đường hầm. Loại xe và đối tượng được chuyên chở của các xe bị cháy rất khác nhau: xe khách, xe tải lớn, xe đầu kéo, xe tải nhỏ chở hàng hóa... Đặc biệt có trường hợp lái xe chở hơn 700.000 cái bật lửa, vi phạm nghiêm trọng quy định cấm lưu thông qua đường hầm loại hàng hóa dễ cháy.

Vụ cháy trong đường hầm xuyên núi Mont Blanc ngày 24-3-1999 đã làm thiệt mạng 39 người và gióng lên một tiếng chuông cảnh báo trên toàn châu Âu về an toàn cháy nổ trong đường hầm. Khám nghiệm hiện trường sau vụ cháy tìm thấy xác của 34 nạn nhân bị ngạt hơi và tử vong ngay trên xe. Các báo cáo sau đó đã chứng minh khi đám cháy xảy ra hệ thống hút khói đã không làm việc hiệu quả, thêm vào đó không khí “tươi” tiếp tục được bơm vào đường hầm càng làm đám cháy lan mạnh hơn. Rõ ràng việc bảo dưỡng không tốt và điều tiết không đúng cách hệ thống thông khí là nguyên nhân chính làm trầm trọng thêm mức độ thiệt hại của vụ cháy.
May mắn là cho đến nay các vụ cháy trong đường hầm Hải Vân đều không gây thiệt hại nghiêm trọng về người và vật chất do được dập tắt và xử lý kịp thời. Tuy nhiên tính chất thường xuyên đến mức báo động của các vụ xe cháy trong đường hầm thật sự gióng lên tiếng chuông cảnh báo một hiểm họa khó lường nếu chúng ta không có giải pháp hạn chế hợp lý.

Hệ thống thông khí có hoạt động hiệu quả?

Báo chí gần đây thường xuyên phản ánh tình trạng không khí ngột ngạt, ô nhiễm bên trong đường hầm Hải Vân. Ngoài sự khó chịu, thậm chí nguy hiểm mà người di chuyển phải chịu đựng, tình hình này còn phản ánh một thực tế rất đáng lo ngại: hệ thống thông khí trong đường hầm có thể hoạt động không hiệu quả như mong muốn.

Sự hiện diện của hệ thống thông khí trong đường hầm phải đảm bảo hai chức năng chính: thông thoáng khí trong điều kiện hoạt động bình thường và hút/phân tán khói khi có cháy. Một trong những lý do chính gây nên thiệt hại về nhân mạng trong các vụ cháy đường hầm trên thế giới là do nạn nhân bị ngạt thở do khói và khí độc bốc ra từ xe cháy và họ không thể di chuyển về các nơi hay đường hầm thoát hiểm.

Từ thực tế trên thiết nghĩ các cơ quan chức năng, cụ thể là ban quản lý hầm đường bộ Hải Vân, phải có kế hoạch xác định nguyên nhân, từ đó đề ra biện pháp hạn chế số vụ cháy bên trong đường hầm Hải Vân. Các quy định pháp luật về giao thông chuyên chở trong đường hầm cần được áp dụng nghiêm ngặt: vận tốc, khoảng cách an toàn, nghiêm cấm lưu thông hàng hóa dễ cháy trong đường hầm...

Ngoài ra toàn bộ hệ thống thông khí cần được bảo trì và nâng cấp liên tục để đảm bảo các chức năng trong mọi điều kiện. Các cơ quan quản lý giao thông, công an cần tăng cường xử lý các xe quá tải, quá hạn sử dụng, thải khói bụi quá mức cho phép để góp phần làm nhẹ gánh cho hệ thống thông khí hiện nay.

TS LÊ TRUNG TĨNH (Paris, Pháp)
(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Vì sao xe hay bị cháy trong hầm Hải Vân?

Hiện tượng ôtô bốc cháy trong hầm Hải Vân (bình quân 2 tháng/vụ cháy) đã trở thành mối lo ngại. Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Đình Bách - giám đốc Công ty Quản lý vận hành và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) - cho biết:

- Tính đến nay đã có tổng cộng 18 xe bốc cháy trong đường hầm, chưa kể sáu phương tiện khác tự phát cháy trước và sau khi ra vào hầm. Đó quả là con số không nhỏ chỉ sau bốn năm hầm Hải Vân chính thức đi vào hoạt động.

Có nhiều nguyên nhân gây ra cháy xe như chập mạch điện, va chạm giữa các thiết bị, vật dụng (để trên xe) trong quá trình xe lưu thông qua hầm. Nhưng theo tôi, một nguyên nhân khách quan gây ra các vụ cháy là do lượng khí thải ra trong đường hầm tại một thời điểm nhất định nào đó quá lớn (hầu hết là xe chở quá tải gây ra). Đặc biệt có rất nhiều phương tiện quá cũ kỹ nên khi vận hành động cơ thải cả những nhiên liệu chưa được đốt cháy hết ra ngoài môi trường.

New Picture.png
Thêm vào đó, nhiệt độ bên trong đường hầm luôn ở mức cao do xe qua lại liên tục, đã có thời điểm nhiệt độ bên trong đường hầm cao hơn bên ngoài 100C. Khi các yếu tố này kết hợp lại thì rất dễ gây cháy phương tiện.

* Như vậy chứng tỏ hệ thống thông gió của đường hầm hoạt động không hiệu quả?

- Trước khi đưa vào vận hành, các thông số của hệ thống thông gió hầm Hải Vân đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm định và thông qua. Cơ chế vận hành của hệ thống thông gió hầm Hải Vân là lấy khí sạch từ cửa hầm bắc (Thừa Thiên - Huế) thổi qua cửa hầm nam (Đà Nẵng), trong khi đó theo thống kê của Hamadeco, các vụ cháy hầu hết đều xảy ra ở phía cửa nam. Như vậy, đoạn hầm phía nam là khu vực chịu áp lực khí thải lớn nhất.

Nhưng nếu tăng tốc độ gió lên vượt mức cho phép (tối đa 11m/s) để đường hầm được thông thoáng hơn thì lại vi phạm quy trình vận hành của thiết bị, điều này là không được phép.

* Nghĩa là hệ thống thông gió đã vận hành hết công suất?

- Hoàn toàn chính xác. Theo thiết kế ban đầu, hầm Hải Vân có sức lưu thông đến 15.000 lượt xe/ngày đêm. Hiện tại lưu lượng xe qua hầm dù chỉ mới đạt bình quân 4.200 xe/ngày đêm (khoảng 38%) nhưng các thông số của hệ thống thông gió đường hầm đã phải vận hành hết 100% công suất.

Điều đó đang nói lên một vấn đề hết sức lo ngại: hầu hết các phương tiện đang lưu thông đều không đạt tiêu chuẩn về khí thải, trong khi hầm Hải Vân được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn châu Âu về khí thải.

* Như vậy trong một vài năm tới khi lượng xe qua hầm tăng cao thì bài toán “xe cháy” sẽ được giải quyết như thế nào?

- Hiện Hamadeco đã tính đến phương án xử lý vấn đề này. Trong một vài tháng tới, chúng tôi sẽ ban hành và ra quy định về tốc độ chạy xe trong hầm. Cụ thể: tối đa không quá 70 km/giờ và tối thiểu không dưới 40 km/giờ. Tất cả phương tiện chạy dưới 40 km/giờ đều bị xử phạt (lâu nay Hamadeco chỉ xử phạt xe chạy dưới 25 km/giờ). Ngay cả việc chạy không đúng khoảng cách 50m giữa hai xe lâu nay chưa xử phạt thì sắp tới sẽ xử phạt.

Ngoài ra, nếu phát hiện xe nào không đạt tiêu chuẩn có thể chúng tôi cũng không cho qua hầm.
ĐĂNG NAM thực hiện ( Nguồn : Tuổi Trẻ)
 
Back
Bên trên