Thảo luận Các sai lầm thường gặp khi sử dụng máy điều hòa không khí

nmq123

Thành Viên [LV 4]
Ngày nay, điều hòa không khí là một thiết bị không thể thiếu trong đời sống của chúng ta. Tuy đã trở nên quen thuộc nhưng người sử dụng vẫn hay mắc phải các sai lầm sau, khi sử dụng máy điều hòa.
woman-g45124e046_1280.png

1. Chọn sai công suất máy
Đa số người sử dụng đều hiểu sai về công suất tiêu thụ của điều hoà. Phải khẳng định rằng điều hoà không giống như bếp điện, chọn bếp công suất nhỏ thì ít tốn nhiều điện hơn so với bếp công suất lớn. Với máy điều hoà nhiệt độ, nó cần phải có đủ công suất để xử lý tất cả các nguồn nhiệt tác động tới không gian sử dụng (căn phòng) trước khi có thể làm mát không khí theo yêu cầu của người sử dụng Do đó, nếu bạn chọn máy có công suất quá nhỏ, nó sẽ phải chạy liên tục mà không thể làm mát căn phòng hay còn gọi là bị quá tải. Trong trường hợp này, bạn phải trả tiền điện nhiều hơn mà không đặt được mục đích sử dụng mình cần (mát mẻ). Điều này cũng tương tự như việc đun nước mà mở vung vậy, bạn phải tốn rất nhiều gas mà nước mãi không sôi.
Ngược lại, với máy có công suất lớn, căn phòng sẽ được làm mát nhanh hơn và duy trì ổn định trong thời gian dài hơn, thời gian máy nghỉ (với điều hoà thông thường) hoặc chạy ở mức tải thấp (với máy biến tần, inverter) sẽ nhiều hơn, tương đương với mức tiêu thụ điện thấp hơn. Tất nhiên, điểm trừ ở đây là ta phải bỏ ra chi phí đầu tư lớn hơn mà không thể sử dụng hết 100% sức mạnh của thiết bị đó.
Do đó, việc chọn đúng công suất máy là rất quan trọng để có thể đạt được hiệu quả sử dụng cao nhất với chi phí hợp lý nhất. Bạn có thể tham khảo bài viết theo link: “Hướng dẫn lắp đặt điều hòa không khí gia đình”.

2. Lắp đặt không đúng kỹ thuật
Thật kì lạ khi “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” là một thông báo quan trọng nhưng hầu như đều bị bỏ qua không chỉ bởi người sử dụng mà cả các kỹ thuật viên. Hiện trên thị trường có rất nhiều hãng máy điều hoà không khí (Daikin, Panasonic, Mitsubishi, SAMSUNG, …) và vô vàn kiểu máy khác nhau (điều hoà gắn tường, điều hoà cassette, điều hoà nối ống gió, điều hoà trung tâm,…), mà mỗi loại máy sẽ có những yêu cầu kỹ thuật lắp đặt khác nhau để có thể hoạt động đúng thiết kế của nó. Do đó, việc đọc hiểu tài liệu hướng dẫn và tìm kiếm sự trợ giúp kỹ thuật từ các chuyên gia là vô cùng quan trọng để máy có thể hoạt động với công suất, tính năng và tuổi thọ cao nhất.

3. Lắp đặt ở vị trí không phù hợp
Với các công trình được đầu tư đầy đủ về thiết kế với sự tư vấn của các đơn vị có chuyên môn thường không gặp các vấn đề xung đột khi lựa chọn vị trí lắp đặt máy ĐHKK phù hợp với công năng và kiến trúc công trình. Tuy nhiên, ở các công trình đã đưa vào sử dụng hay các công trình không có dự trù cho việc lắp đặt máy ĐHKK sẽ khiến việc lắp đặt máy gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng thiết bị cũng như thẩm mỹ kiến trúc và đôi khi là không thể lắp đặt máy theo yêu cầu.
Một số vấn đề thường gặp phải như:
- Không có không gian lắp đặt dàn lạnh máy treo tường: khoảng cách đỉnh máy đến trần quá nhỏ (<6 cm) khiến không khí không thể luân chuyển qua máy để làm mát.
- Không đặt chờ đường ống thoát nước ngưng: thường gặp với máy treo tường nên buộc phải đi ống nước nổi trên tường hoặc phải lắp thêm bơm nước ngoài, điều này gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ công trình
- Không có vị trí lắp đặt dàn nóng: dàn nóng phải treo trên tường ngoài nhà ở các vị trí bất tiện gây khó khăn cho việc bảo trì, sửa chữa, thậm chí có thể gây tai nạn cho người sử dụng cũng như kỹ thuật viên.

4. Không bảo trì máy thường xuyên
Phần lớn các hư hỏng ở thiết bị điện đều do vấn đề vệ sinh, đặc biệt với thiết bị ĐHKK, việc bảo trì, bảo dưỡng máy càng quan trọng. Thường xuyên bảo dưỡng máy sẽ đem lại các lợi ích sau:
- Vệ sinh thường xuyên giúp máy điều hoà có thể tạo ra được một bầu không khí trong lành cho sức khoẻ của người sử dụng bởi máy điều hoà là một thiết bị xử lý không khí.
- Bụi bẩn bám lâu ngày là nguyên nhân khiến máy khó giải nhiệt, khiến tăng tiêu tốn điện năng, giảm tuổi thọ máy
- Bụi bẩn cũng là một trong các nguyên nhân chính gây ra chập cháy các chi tiết điện, điện tử trong thiết bị
- Việc thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng cũng giúp phát hiện sớm các nguy cơ rò rỉ (rò rỉ ga lạnh, rò điện), các hoạt động bất thường của máy (tiếng ồn, quá tải, quá nhiệt) để có phương án xử lý sớm trước khi xảy ra các hư hỏng nặng cũng như các tai nạn tiềm ẩn.

5. Cài đặt nhiệt độ không chính xác
Không giống như quạt máy, cứ nóng thì bật số to lên, bạn không nên hạ nhiệt độ máy điều hoà xuống quá thấp với mong muốn căn phòng được làm mát nhanh hơn. Yêu cầu vệ sinh chỉ cho phép chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và bên ngoài không quá 10oC để đảm bảo người sử dụng không bị sốc nhiệt khi đi từ ngoài vào phòng điều hoà cũng như ngược lại. Với các hoạt động sinh hoạt, làm việc bình thường thì nhiệt độ phù hợp nhất là 24oC ~ 26oC. Việc hạ nhiệt độ cài đặt xuống mức thấp hơn không làm cho bạn thoải mái hơn mà còn khiến máy phải hoạt động với công suất cao hơn gây lãng phí điện năng và hoàn toàn không tốt cho sức khoẻ người sử dụng. Trung bình cứ mỗi 1oC thấp hơn sẽ tiêu thụ nhiều hơn 7% điện năng so với bình thường.

6. Đặt nhiệt độ thấp không có nghĩa là máy làm mát nhanh hơn
Nhiều người thắc mắc “Đặt nhiệt độ điều hoà ở 16oC có khiến phòng mát nhanh hơn không?”. Để trả lời câu hỏi này cần phải hiểu máy điều hoà hoạt động dựa trên nguyên tắc: máy sẽ tự động chạy hết công suất đến khi đạt được nhiệt độ cài đặt, sau khi đạt nhiệt độ cài đặt, block (hay máy nén) sẽ dừng chạy hoặc chạy giảm tải (với máy điều hoà inverter). Khi nhiệt độ phòng tăng vượt quá nhiệt độ cài đặt máy nén sẽ hoạt động trở lại với công suất cao hơn để hạ nhiệt độ.
Do đó, lời khuyên ở đây là bạn chỉ cần đặt nhiệt độ phù hợp với nhu cầu sử dụng là được, đặt nhiệt độ thấp hơn không làm mát nhanh hơn mà còn gây lãng phí điện năng vô ích.

7. Tắt/ Bật máy liên tục
Nhiều người có thói quen bật máy điều hoà ở nhiệt độ thấp nhất rồi tắt đi khi thấy phòng đã mát để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm. Như đã nói ở trên, máy điều hoà sẽ tự động nghỉ hoặc giảm tải khi đạt nhiệt độ cài đặt. Việc tắt bật máy liên tục không những làm giảm tiện ích sử dụng mà còn khiến máy phải khởi động với tần suất cao hơn bình thường mà giai đoạn khởi động bao giờ cũng tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Tần suất tắt bật cao cũng là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ thiết bị.

8. Để cửa mở khi sử dụng điều hoà
Cần phải nhắc lại một điều đó là điều hoà không khí không tạo ra oxy, nó chỉ có chức năng làm mát, khử ẩm và lọc bụi – diệt khuẩn (với một số model cao cấp) nên việc ở lâu trong phòng điều hoà không được thông gió tốt có thể gây ra hiện tượng chóng mặt, khó thở, khô da, một số người mẫn cảm còn có triệu chứng “say điều hoà”. Do đó, người ta có suy nghĩ là mở cửa khi bật điều hoà để thông thoáng. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra rất nhiều vấn đề như làm giảm công suất làm mát, một số trường hợp có thể gây đọng sương trên các bề mặt trong phòng hoặc cửa gió điều hoà, ngoài ra, tiếng ồn và bụi bẩn từ ngoài có thể thâm nhập vào phòng.
 
Back
Bên trên